Các món ăn từ nội tạng động vật đều rất hấp dẫn và được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, khi ăn nội tạng động vật, đừng bỏ qua những điều này để đảm bảo sức khỏe.
Lợi ích của ăn nội tạng động vật
Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, xét về mặt dinh dưỡng, nội tạng động vật có hàm lượng calo tương tự thịt nạc (từ 100-150 calo/100 gram), hàm lượng protein khoảng 16-22% trọng lượng (trừ não và tủy) và hàm lượng chất béo trung bình từ 5-7%, trong đó chủ yếu là chất béo bão hòa và lượng cholesterol rất cao.
Một số bộ phận tiêu biểu như gan có nhiều vitamin A và D, quan trọng nhất là hàm lượng sắt rất cao, có thể phòng ngừa bệnh thiếu máu, mù màu, còi xương. Tim có hàm lượng natri thấp và rất nhiều chất sắt. Óc giàu niacin, phosphorus, B12 và vitamin C. Huyết động vật cũng có rất nhiều chất dinh dưỡng như protein, sắt và các loại vitamin…
Phần lớn các loại phủ tạng đều chứa nhiều chất đạm, chất béo. Khi ăn tim, gan, thận có tác dụng cung cấp sắt để chống thiếu máu thiếu sắt rất tốt cho trẻ em và phụ nữ mang thai cũng như phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ. Các loại phủ tạng này cung cấp nhiều vitamin A có tác dụng bổ mắt, tăng cường sức đề kháng và tăng trưởng ở trẻ em.
Tác hại của ăn nội tạng động vật
Hầu hết nội tạng động vật đều an toàn nếu bạn sử dụng với tần suất thấp. Nhưng với những ai thường xuyên ăn gan, thận, lòng… từ động vật, coi đó là món ăn hàng ngày thì nên cân nhắc về các nguy cơ sức khỏe.
Nội tạng động vật biết cách chế biến và ăn sẽ tốt cho sức khỏe, tuy nhiên nếu sử dụng không hợp lý hoặc lạm dụng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì trong ruột của các loại động vật có rất nhiều vi khuẩn, ví dụ như E.coli, các vi khuẩn có thể là gây tả, kiết lị, thương hàn… hay các vi khuẩn gây lao, bệnh than… nếu lúc chế biến mà không làm sạch sẽ hoặc không nấu chín kỹ thì khi ăn rất dễ nhiễm bệnh.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên sử dụng nội tạng có nguồn gốc rõ ràng. Khi mua về cần phải chế biến vệ sinh sạch sẽ rồi nấu chín kỹ. Cần để thực phẩm đã chín ở nơi sạch sẽ, cao ráo không bị ô nhiễm hoặc có thể lây nhiễm bởi thực phẩm bẩn khác sang. Thực phẩm sống và chín cần để riêng biệt.
Ngoài ra, các loại phủ tạng đều chứa nhiều cholesterol nên không phù hợp với người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa: Tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gout, bệnh thận, người thừa cân, béo phì…Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sản phẩm nội tạng động vật có thể tốt với người này song lại gây hại với người khác, vì vậy không nên lạm dụng. Bên cạnh đó, chúng còn tiềm ẩn nhiều vi khuẩn có thể gây bệnh cho người.
Ăn nội tạng động vật đúng cách sẽ có lợi cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Những lưu ý khi ăn nội tạng động vật
Không để chung thực phẩm chín và sống cùng nhau: Để tránh tình trạng nhiễm chéo từ các nguồn thực phẩm bẩn khác. Bảo quản thực phẩm chín ở nơi khô ráo, sạch sẽ.
Những người không nên ăn nội tạng: Người già, người thừa cân, béo phì, người bị rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, huyết áp, gout hoặc mắc bệnh lý tim mạch tốt nhất không nên dùng các món ăn chế biến từ phủ tạng động vật.
Người khỏe mạnh nếu ăn nội tạng động vật với một lượng phù hợp sẽ rất có lợi ích cho cơ thể, nhưng phải kiểm soát số lượng. Người trưởng thành chỉ nên ăn nội tạng 2 – 3 lần/tuần (mỗi lần khoảng 50 – 70g), trẻ em ăn 2 lần/tuần (khoảng 30 – 50g mỗi lần).
Không để qua đêm: Tuyệt đối không dùng nội tạng để qua đêm. Thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn trở lại dù đã được làm sạch và cẩn thận đến mức nào. Hơn nữa, nội tạng để qua đêm dễ bị ôi thiu, hay có mùi hôi khó chịu. Cách tốt nhất là không nên để lại, và bỏ đi nếu ăn thừa.
Không ăn nội tạng không rõ nguồn gốc: Theo các cơ quan chức năng, hiện nay trên thị trường xuất hiện tình trạng thương lái nhập lậu nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, thậm chí bị ôi, thiu rồi giao cho các cửa hàng chế biến hay các điểm bán lẻ nội tạng. Vì vậy, khi mua các loại nội tạng, các bà nội trợ nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Biết cách chế biến nội tạng: Để chế biến nội tạng thành món ăn ngon bạn nên chế biến kết hợp với các thực phẩm khác. Việc sử dụng các thành phần khác khi ăn nội tạng động vật để đảm bảo lượng chất dinh dưỡng cân bằng hơn sau khi ăn. Ví dụ như bạn có thể chế biến nội tạng với tỏi tây, bắp cải hoặc cần tây, có thể làm giảm sự hấp thụ cholesterol vào cơ thể, đồng thời có thể khiến các thực phẩm tiếp tục bổ sung cho nhau về dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nhung-luu-y-vang-khi-an-noi-tang-de-tranh-ruoc-benh-vao-than-a535023.html